- Định nghĩa chỉ số cholesterol
- Nguyên nhân gây ra cholesterol cao và thấp được biết đến
- Những triệu chứng và dấu hiệu cholesterol cao và thấp
- Phương pháp điều trị cholesterol trong máu tăng
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt trong điều trị cholesterol cao và thấp
- Phòng ngừa bệnh LDL cholesterol cao hay cholesterol thấp diễn tiến nặng
- Tổng kết thông tin về chỉ số cholesterol
Chỉ số cholesterol hay lượng LDL cholesterol (LDL-c) trong máu càng cao thì nguy cơ mắc phải nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác bao gồm bệnh mạch vành, đột quỵ và mạch máu ngoại biên.
Chỉ số cholesterol cao cũng liên quan đến bệnh tiểu đường và tăng huyết áp. LDL cholesterol cao có thể do di truyền, nhưng thường là do lối sống không lành mạnh nên hoàn toàn có thể ngăn ngừa và điều trị được cholesterol cao nếu bạn có phác đồ điều trị khoa học.
Định nghĩa chỉ số cholesterol
Cholesterol là gì?
Cholesterol là thành phần của lipid máu – chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể chúng ta cần. Cholesterol là một chất giống như sáp trong chất béo ở máu.
Cholesterol có mặt tại hầu hết các bộ phận của cơ thể con người, đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể, giúp cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.
Cholesterol là yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, sản xuất vitamin D, axit mật và một số loại hormone giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.
Nguồn gốc của cholesterol
Cholesterol có 2 nguồn gốc, một là được tạo ra từ gan do cơ thể tổng hợp, hai là được hấp thu từ thức ăn. Có khoảng 75% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Còn trong thực phẩm, cholesterol có trong các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, sữa, phụ tạng động vật và lòng đỏ trứng. Thực tế là cholesterol không hoàn toàn là chất có hại.
Cholesterol không thể tan trong máu, nó được vận chuyển trong máu nhờ lipoprotein (gọi là chất trung gian vận chuyển). Cholesterol được phân làm hai dạng gồm: lipoprotein mật độ thấp (LDL) và lipoprotein mật độ cao (HDL).
Thường nồng độ chỉ số cholesterol trong máu được xem là bình thường như sau:
- Chỉ số cholesterol toàn phần <200mg/dL
- Chỉ số HDL ≥60mg/dL
- Chỉ số LDL <100mg/dL
Giới hạn này còn phụ thuộc vào yếu tố chủng tộc, giới tính và độ tuổi nên không thể nói chính xác giới hạn nào thì chỉ số cholesterol thấp. Nhưng chỉ số cholesterol toàn phần <120mg/gL hoặc chỉ số LDL < 40mg/dL thì có thể được xem là rất thấp.
Phân loại các loại cholesterol
Có 2 khái niệm cholesterol, tùy thuộc vào loại cholesterol mà lipoprotein vận chuyển, bao gồm:
HDL cholesterol
HDL cholesterol (high-density lipoprotein cholesterol) – lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao: đây là cholesterol tốt vì chúng giúp loại bỏ các LDL cholesterol dư thừa ở động mạch và đưa chúng trở về gan.
HDL cholesterol chiếm khoảng ¼ – ⅓ tổng số cholesterol trong máu đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ máu về gan, vận chuyển cholesterol khỏi các mảng xơ vữa làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và biến cố tim mạch nghiêm trọng.
Hàm lượng HDL cholesterol giảm có thể liên quan đến thói quen hút thuốc lá, lười vận đồng, thừa cân, béo phì…
HDL cholesterol là cholesterol tốt nên nồng độ trong máu càng cao càng tốt, giá trị tối ưu là > 60 mg/dL.
LDL cholesterol
LDL cholesterol (low-density lipoprotein cholesterol) – lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp: đây là cholesterol xấu vì chúng tích tụ trong thành động mạch làm cho nơi đây cứng và hẹp.
LDL cholesterol đóng vai trò vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể, nếu hàm lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu dẫn đến lắng đọng mỡ ở thành mạch máu (đặc biệt là tim và phổi) gây nên các mảng xơ vữa dần dần sẽ gây hẹp hoặc tắc mạch máu dẫn đến bệnh lý nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu đột ngột, tai biến mạch máu não, đột quỵ,… gây nguy hiểm đến tính mạng.
LDL cholesterol tăng có thể phụ thuộc vào các yếu tố gia đình, chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt tác động xấu đến sức khỏe như hút thuốc, lười vận đông, người mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường.
Ở người trưởng thành, mức LDL cholesterol lý tưởng thường là dưới 100mg/dL. Tuy nhiên ở người có mức LDL cholesterol từ 100 – 120mg/dL thì vẫn được xem là bình thường.
Ở người có bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc các yếu tố nguy cơ tim mạch thì nên giữ mức LDL cholesterol dưới 70mg/dL. Mức cholesterol trong khoảng 130 – 159mg/dL thì được xem là ở mức giới hạn cao, 160 – 189mg/dL là ở mức cao và từ 190mg/dL trở lên là rất cao.
Ở trẻ em, mức giới hạn LDL cholesterol là từ 110 – 129mg/dL, từ 130mg/dL là mức cao. Các bậc phụ huynh cần chú ý chế độ ăn uống để duy trì mức LDL cholesterol dưới 110mg/dL cho trẻ.
Lp(a) Cholesterol
Lp(a) Cholesterol là một biến thể của LDL Cholesterol. Hàm lượng Lp(a) Cholesterol trong máu tăng cao có thể dẫn đến các nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Nguyên nhân gây ra cholesterol cao và thấp được biết đến
Người mắc bệnh suy giáp, tiểu đường, HIV/AIDS, lupus, bệnh thận mãn tính, bệnh gan có thể làm tăng LDL cholesterol.
Một số loại thuốc chữa bệnh như thuốc lợi tiểu thiazid, chẹn beta, estrogen và corticosteroid có thể làm tăng nồng độ triglyceride và làm giảm cholesterol HDL.
Mức cholesterol cũng có thể tăng cao do bệnh ung thư, huyết áp cao, HIV/AIDS, rối loạn nhịp tim, cấy ghép nội tạng.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh LDL cholesterol, bao gồm:
– Thức ăn chứa quá nhiều chất béo động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nội tạng động vật.
– Người thừa cân, có nguy cơ mắc cholesterol cao nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) >=30.
– Người ít vận động, rèn luyện thể chất, khiến cơ thể ì ạch, kéo theo nguy cơ tăng mức cholesterol.
– Hút thuốc gây tổn thương các thành mạch máu, tích tụ mỡ, làm giảm HDL và khiến LDL-C tăng lên.
– Gia đình có di truyền về cholesterol cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh và khó điều trị hơn bình thường.
– Trải qua quá trình lão hóa, người trên 40 tuổi, gan sẽ ít loại bỏ được LDL cholesterol hơn dẫn đến cholesterol cao.
Các nguyên nhân có thể gây ra mức cholesterol thấp bao gồm: yếu tố di truyền phổ biến ở trẻ em dưới 1 tuổi; Chế độ ăn uống ít chất béo; Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp; Người mắc bệnh gan hoặc suy nhược thận, bệnh bạch cầu; Người bị suy dinh dưỡng và hấp thu kém, thiếu mangan;
Những triệu chứng và dấu hiệu cholesterol cao và thấp
Những triệu chứng LDL cholesterol cao – Chỉ số cholesterol cao
Nhìn chung LDL cholesterol cao thường không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng tuy nhiên, nếu có HeFH (tính gia đình dị hợp tử) thì sẽ thấy được những triệu chứng như sau:
- Mức LDL-C rất cao từ lúc sinh ra đời
- Mỡ vàng đọng trên mí mắt
- Mỡ đọng dưới da nhiều, đặc biệt là ở xung quanh gân tay, gân gót
- Vòng tròn xung quanh giác mạc có màu xám, trắng hoặc màu xanh
- Tức ngực, khó thở
- Xuất hiện các triệu chứng giống như đột quỵ
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể gặp các triệu chứng khác như đã đề cập, nên có bất kỳ thắc mắc nào về dấu hiệu mình gặp phải, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay.
Những triệu chứng cholesterol thấp
Chỉ số cholesterol trong máu cao gây nguy hiểm đến sức khỏe là điều chắc chắn, chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, tai biến hoặc đột quỵ.
Trên thực tế, nếu cholesterol toàn phần hoặc LDL ở mức rất thấp và kéo dài thì sẽ có những tác động xấu đến cơ thể.
Nó sẽ gây rối loạn các hoạt động của tế bào như tế bào thần kinh và sinh dục, giảm chức năng sản xuất một số hormone của cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết, trí nhớ suy giảm và thậm chí là mất trí nhớ, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và ung thư. Phụ nữ mang thai có thể sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Chỉ số cholesterol thấp cũng là một tình trạng cần được chú ý vì nếu không kịp thời phát hiện có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể.
Dấu hiệu của bệnh trầm cảm có thể là dấu hiệu để nhận biết mức cholesterol trong máu đang thấp, các triệu chứng cụ thể bao gồm:
- Luôn cảm thấy bi quan, thất vọng
- Trong người bất an, bồn chồn
- Khó tập trung tinh thần, mất phương hướng
- Gặp khó khăn khi phải đưa ra quyết định
- Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ bị kích động
- Mất ngủ trong thời gian dài
- Ăn không còn cảm thấy ngon miệng, chán ăn
Phương pháp điều trị cholesterol trong máu tăng
Đánh giá chỉ số cholesterol trong máu
Nồng độ cholesterol trong máu tăng sẽ không có triệu chứng rõ rệt, chúng chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm lipid máu trong cơ thể định kỳ.
Hội tim mạch Việt Nam khuyến cáo, mọi người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra định kỳ 5 năm 1 lần các thành phần liên quan đến lipid máu như cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol, HDL – cholesterol và triglycerides – một loại chất béo trong máu. Trẻ từ 9-11 tuổi và từ 17-21 tuổi cũng cần làm xét nghiệm cholesterol.
Bạn không được ăn uống bất cứ thứ gì (trừ nước) từ 9-12 giờ trước khi bác sĩ lấy máu để có được kết quả xét nghiệm chính xác nhất
Thông qua xét nghiệm các thành phần lipid má, một người có thể biết được hàm lượng cholesterol trong cơ thể từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình để đạt được mức cholesterol cho phép.
Nếu điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt không có hiệu quả, bạn cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc điều chỉnh lượng cholesterol trong máu.
Hướng dẫn cách đọc chỉ số cholesterol
Cholesterol và triglycerid có thể làm tắc nghẽn các động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Xét nghiệm mỡ máu có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch, giúp bạn có thể điều chỉnh lối sống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ trong tương lai. Kết quả xét nghiệm mỡ máu thường thể hiện các mục sau:
Cholesterol toàn phần là chỉ số rất quan trọng
Cholesterol toàn phần là tổng quan về tất cả mỡ trong máu. Chỉ số Cholesterol toàn phần có thể cao do mức cholesterol tốt HDL tăng cao hoặc cholesterol xấu LDL cao
Mức cholesterol toàn phần lí tưởng là <200 mg/dL, cao trong giới hạn 200-239mg/dL và cao qua mức cho phép là >240 mg/dL.
Tóm lại các bác sĩ luôn khuyến cáo, bạn nên giữ mức cholesterol toàn phần <200 mg/dL. Nếu ở mức cao hơn 200 mg/dL, phân tích tỷ lệ LDL và HDL có thể bạn đang có nguy cơ mắc phải bệnh lý tim mạch cao hơn bình thường.
Mức cholesterol toàn phần cao hơn 240 mg/dL tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Triglycerid
Một người có mức triglyceride cao thì mức mức Cholesterol toàn phần và LDL cũng có thể cao. Mức bình thường của triglyceride thấp hơn 150 mg/dL, giới hạn cho phép ở mức cao là 150-199 mg/dL, mức cao 200-499 mg/dL và rất cao 500 mg/dL.
Triglyceride có liên quan mật thiết đến lối sống. Triglycerid tăng cao có thể do hút thuốc lá, đồ uống có cồn, tiểu đường không kiểm soát, thuốc chứa estrogen, steroid và một số phương pháp điều trị mụn. Trong một số trường hợp triglycerid tăng có thể do gen di truyền hay các bệnh lý tiềm ẩn nào đó.
Mỡ máu mật độ cao HDL
HDL giúp đưa cholesterol xấu ra khỏi dòng máu và động mạch, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tắc động mạch. Vì vậy, mức HDL càng cao càng tốt, ở mức từ 60 mg/dL trở lên là lý tưởng. Mức HDL dưới 40 mg/dL được coi là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.
Một số loại thuốc bao gồm steroid, thuốc huyết áp còn được biết đến như thuốc chẹn beta và thuốc lợi tiểu có thể tương tác với mức HDL trong cơ thể, nên nhớ thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang sử dụng.
Mỡ máu mật độ thấp LDL
Cholesterol xấu và là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mức LDL lý tưởng của bạn thực tế sẽ phục thuộc vào việc bạn có các yếu tố nguy cơ cho bệnh tim như tiểu đường hay cao huyết áp hay không.
Nhưng tóm lại mức lý tưởng sẽ là <100 mg/dL, gần lý tưởng 100-129 mg/dL. cao nhưng trong giới hạn cho phép 130-159 mg/dL và cao 160-189 mg/dL.
Dừa trên nguy cơ mắc bệnh tim mà bạn có, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị nhằm làm giảm mức LDL cụ thể. Những phương pháp điều trị có thể là thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học hơn, tích cực rèn luyện thể chất và sử dụng các loại thuốc hạ mỡ máu.
Một số các xét nghiệm mỡ máu khác bạn có thể thực hiện
– Tỷ lệ cholesterol toàn phần và HDL: giúp dự đoán nguy cơ xơ vữa động mạch. Xét nghiệm này không phải lúc nào cũng được thể hiện trên kết quả xét nghiệm máu. Một vài bác sĩ sử dụng chỉ số này thay thế chỉ số cholesterol toàn phần để quyết định cách thức hạ mỡ máu cho người bệnh.
Nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo nên nên tập trung vào các giá trị cụ thể hơn là tỷ lệ để xác định phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
– Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL – very low density lipoprotein), đây là một loại cholesterol xấu khác tích tụ trong các động mạch. Loại cholesterol xấu này chứa lượng triglycerid cao nhất, nó càng cao thì nguy cơ bị đau tim và đột quỵ càng cao. VLDL không phải lúc nào cũng được thể hiện trên kết quả xét nghiệm.
Các phòng xét nghiệm thường ước lượng VLDL bằng cách chia mức triglycerid cho 5, nhưng con số này sẽ không có giá trị khi mức triglycerid cao hơn 400. Mức VLDL bình thường là từ khoảng 5 – 40 mg/dL.
Các thuốc điều trị tăng cholesterol toàn phần
Niacin (acid nicotinic) giúp hạ thấp lipid đầu tiên kết hợp với giảm tỷ lệ cholesterol toàn phần.
Các chất ức chế men HMG – CoA reductase, thuộc nhóm Statin (lovastatin, pravastatin, simvastatin, fluvastatin…).
Các dẫn xuất của acid fibric (gemfibrozil, clofibrate) thuộc nhóm fibrat.
Holestyramin và colestipol đã cho thấy hiệu quả giảm khoảng 20% tỷ lệ mắc các biến chứng của bệnh mạch vành (như nhồi máu cơ tim) ở nam giới trung niên.
Probucol sẽ giúp giảm lượng cholesterol LDL cụ thể là từ 10 – 15% nồng độ cholesterol.
Atorvastatin thuộc nhóm thuốc statin, có nhiệm vụ hạ nồng độ cholesterol trong máu
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt trong điều trị cholesterol cao và thấp
Dinh dưỡng giúp hạn chế diễn tiến của bệnh LDL cholesterol cao. Bệnh nhân sẽ kiểm soát và hạn chế bệnh diễn tiến trở nặng nếu có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng.
Sử dụng thực phẩm chứa chất béo không bão hòa
Trong thực đơn hằng ngày, nên chọn các loại chất béo không bão hòa thay vì chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Những loại chất béo tốt này thường có trong dầu oliu, ngũ cốc nguyên hạt, hạt chia, hạnh nhân, quả bơ, quả hồ đào và quả óc chó, cá béo.
Các nhà khoa học tìm thấy một chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch có trong dầu oliu giúp làm tăng HDL và làm giảm tác động xấu của LDL. Nhưng lưu ý chế biến dầu oliu ở nhiệt độ thấp để phát huy hiệu quả tối ưu nhất.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như các loại lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, bắp nguyên hạt, vừng nguyên hạt… rất giàu chất xơ tốt cho sức khỏe cũng như làm tăng mức độ HDL.
Nghiên cứu cho thấy hạt chia là một nguồn axit béo omega-3 và chất xơ thực vật tốt giúp tăng mức HDL và giảm LDL.
Các loại cá béo như cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá mòi… chứa lượng lớn axit béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong việc giảm mức LDL và tăng mức HDL.
Quả bơ chứa hàm lượng folate cao, đây là chất béo không bão hòa đơn giúp tăng mức HDL và giảm mức LDL từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim. Chất xơ trong quả bơ cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa khá tốt.
Hạn chế lượng cholesterol hấp thu vào cơ thể
Hạn chế sử dụng các loại thức ăn chứa hàm lượng lớn cholesterol như nội tạng, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa.
Thịt đỏ cũng là một trong các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, vì vậy người bị mỡ máu nên hạn chế loại thịt này trong khẩu phần ăn của mình. Bệnh nhân mỡ máu có thể xem xét thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như cá, gà….
Uống rượu vang đỏ ở mức độ cho phép được chứng minh là làm tăng mức độ HDL, giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Một lượng rượu vang đỏ vừa phải được định nghĩa là 1 ly rượu vang 14 độ mỗi ngày cho phụ nữ và lượng gấp đôi một ngày đối với đàn ông.
Bổ sung nhiều trái cây và rau củ quả vào chế độ ăn
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa rối loạn mỡ máu, loại bỏ một số chất béo và cholesterol hấp thụ vào cơ thể.
Chất xơ trong rau củ, trái cây giúp làm chậm hấp thu lipid vào máu và giảm lipid máu. Ngoài ra chất xơ khi vào dạ dày sẽ cùng với thức ăn được chuyển hóa sẽ làm tăng khối lượng phân chống táo bón.
Các nghiên cứu đã chứng minh hoạt chất chiết xuất từ bông cải xanh có tác dụng làm hạ cholesterol máu (LDL) ở những người có cholesterol máu cao. Quercetin cũng là chất chống oxy hoá có nhiều tác dụng như hạ huyết áp ở người bị huyết áp cao, chống đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Các hoạt chất trong bông cải xanh có khả năng gắn kết với axit mật trong ruột, làm tăng bài tiết ra khỏi cơ thể và ngăn cho chúng không được tái sử dụng. Cơ chế này dẫn đến việc tổng hợp các axit mật mới từ cholesterol làm giảm mức cholesterol trong cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư.
Tham khảo bài viết: Thành phần dinh dưỡng: bông cải xanh có bao nhiêu protein?
Giảm lượng chất béo no, bổ sung axit béo chưa no
Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, vì vậy cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân
Axit béo chưa no có nhiều nối đôi như Omega 3, Omega 6 có tác dụng làm giảm cholesterol, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch và điều chỉnh huyết áp theo nhiều nghiên cứu.
Phòng ngừa bệnh LDL cholesterol cao hay cholesterol thấp diễn tiến nặng
Bệnh nhân LDL cholesterol cao nên duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày để cải thiện quá trình bài tiết, loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
Người bệnh cần thiết lập thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp cải thiện mức độ cholesterol đáng kể.
Duy trì hệ thống tiêu hóa tốt, vì hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến mức cholesterol trong cơ thể. Có thể dùng sữa chua và các thực phẩm giàu chế phẩm sinh học khác để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
Từ bỏ việc hút thuốc lá vì có thể gây tổn thương mạch máu và làm các mảng bám tích tụ nhanh trong động mạch.
Ở người thừa cân, giảm 2-4kg có thể giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu tích cực.
Tổng kết thông tin về chỉ số cholesterol
Trên đây là toàn bộ thông tin Sulforaphane Lab đã cung cấp về chỉ số cholesterol và những vấn đề xoay quanh nó. Một số lưu ý trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh rối loạn mỡ máu phù hợp cho bạn có thế áp dụng.
Tình trạng rối loạn mỡ máu ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi vì vậy mọi người cần chú ý đi kiểm tra sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh, tránh bệnh diễn tiến nặng gây ra các biến chứng liên quan tới bệnh lý về tim mạch, đột quỵ…
Tham khảo bài viết: Tìm hiểu thông tin bệnh tiểu đường uống gì để cải thiện bệnh