Bệnh dạ dày và các căn bệnh nào thường gặp? Hoạt chất Sulforaphane có thể hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày hay không? Hãy tìm hiểu với bài viết này nhé!
Dạ dày là cơ quan quan trọng của cơ thể nhưng cũng là cơ quan rất dễ tổn thương. Các tổn thương ở dạ dày có thể gây ra rất nhiều trở ngại và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Sulforaphane – một hợp chất tự nhiên giàu lưu huỳnh được cho là có thể phần nào hỗ trợ và cải thiện các bệnh dạ dày thường gặp từ đó ngăn ngừa những biến chứng khôn lường trong tương lai.
Các bệnh về dạ dày thường gặp
Cơ thể con người sẽ không thể tiếp nhận, lưu trữ chất dinh dưỡng cũng như là chuyển hóa thức ăn khi thiếu mất một cơ quan vô cùng quan trọng – dạ dày. Dạ dày cũng là cơ quan rất dễ bị tổn thương và có thể biến chứng thành những căn bệnh nguy hiểm. Một số căn bệnh thường gặp ở dạ dày đã được ghi nhận như:
- Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Xuất huyết hay chảy máu dạ dày
- Viêm hang vị dạ dày
- Nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày
- Ung thư dạ dày
Trong số trên, dạ dày nhiễm HP và ung thư dạ dày đã được chứng minh bởi một số bằng chứng khoa học là có thể được điều trị bằng Sulforaphane – hợp chất có trong các loại cây họ cải.
Bằng chứng khoa học Sulforaphane giúp điều trị các bệnh về dạ dày
Sulforaphane diệt khuẩn HP ở dạ dày
Nhiễm trùng dạ dày với Helicobacter pylori là một vấn đề toàn cầu và đặc biệt phổ biến ở các vùng đang phát triển, nơi cũng có tỷ lệ ung thư dạ dày cao. Những bệnh nhiễm trùng này được biết là gây ra viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, và làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày.
Tiêu diệt sinh vật này là một mục tiêu y tế quan trọng và vô cùng phức tạp bởi sự phát triển của khả năng kháng thuốc và sự ẩn nấp bên trong các tế bào biểu mô dạ dày của vi khuẩn HP. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra công dụng của Sulforaphane trong việc tiêu diệt vi khuẩn này.
Các nhà nghiên cứu chia 50 người bị nhiễm vi khuẩn HP ở dạ dày ra làm hai nhóm. Một nhóm sẽ hấp thụ Sulforaphane từ các mầm cải xanh, nhóm còn lại sử dụng giả dược không chứa Sulforaphane. Nghiên cứu được tiến hành trong 8 tuần liên tiếp.
Trong nghiên cứu này, HpSA (một kháng nguyên trong vi khuẩn HP) được sử dụng như một định lượng để đo lường tác dụng của Sulforaphane. Giá trị HpSA càng cao thì số lượng HP càng lớn. Kết quả cuối cùng cho thấy nhóm sử dụng Sulforaphane ghi nhận kết quả HpSA giảm đáng kể so với nhóm sử dụng giả dược.
Sulforaphane hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày – căn bệnh ác tính phổ biến thứ năm ở trên thế giới, được biết đến là một căn bệnh nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao. Năm 2018, nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Y khoa Từ Châu và Đại học Y Nam Kinh Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá tác dụng ức chế của Sulforaphane đối với ung thư dạ dày bằng con đường Sonic hedgehog (SHH).
Con đường này đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của các tế bào gốc ung thư. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc kích hoạt bất thường tín hiệu SHH trong các mô trưởng thành có liên quan đến nhiều loại ung thư khác nhau ở cơ thể người.
Sau một khoảng thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy sự hình thành khối u và mức độ biểu hiện của dấu hiệu tế bào gốc ung thư dạ dày (CSC) đã giảm đáng kể sau khi điều trị bằng Sulforaphane. Sulforaphane cũng có tác dụng ức chế bằng cách ngăn chặn sự tăng sinh và tạo ra quá trình chết rụng ở các tế bào gốc ung thư dạ dày.
Một số công dụng khác của Sulforaphane
Sulforaphane còn mang đến rất nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe
Ngoài công dụng đối với các bệnh dạ dày, Sulforaphane còn mang đến rất nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe. Chính vì thế các loại rau cải đặc biệt là súp lơ và mầm bông cải xanh chứa Sulforaphane còn được coi là “siêu thực phẩm”. Khi bạn hấp thụ Sulforaphane, bạn có thể nhận thấy một số lợi ích như:
- Cải thiện các bệnh tiêu hóa: Táo bón có thể được điều trị bằng Sulforaphane bởi đặc tính chống oxi hóa của hoạt chất này
- Giải độc gan, thận: Gan và thận có thể được hỗ trợ bởi cơ chế kích hoạt các men có lợi diệt các độc tố trong cơ thể
- Ngăn ngừa và điều trị ung thư: Sulforaphane đã cho thấy tín hiệu khả quan đối với một số loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư biểu mô tế bào thận, ung thư đại tràng,…
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu cho thấy Sulforaphane có tác động tích cực tới bệnh tiểu đường tuýp II – loại phổ biến nhất trong các bệnh tiểu đường.
Mầm bông cải xanh để có được hàm lượng Sulforaphane dồi dào nhất
Hiện tại, chưa có một liều lượng khuyến cáo cụ thể nào cho việc tiêu dùng và hấp thụ Sulforaphane. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc sử dụng mầm bông cải xanh hay các cây họ cải khác cho bữa ăn của mình là hoàn toàn an toàn và dễ sử dụng.
Nếu được, bạn nên lựa chọn mầm bông cải xanh để có được hàm lượng Sulforaphane dồi dào nhất. Đặc biệt, phương pháp chế biến bằng cách hấp hay dùng lò vi sóng cũng có thể cung cấp nhiều Sulforaphane hơn so với luộc.
Tổng kết
Sulforaphane đã được nghiên cứu và chứng minh tác dụng của nó trong việc điều trị các bệnh dạ dày. Để đạt được hiệu quả tối ưu nhất, bạn nên kết hợp sử dụng Sulforaphane với một lối sống lành mạnh cũng như thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ cho dạ dày của mình.