Ba năm kể từ khi covid- 19 xuất hiện, hiện tại mặc dù số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng và tử vong giảm, nhưng khắp nơi trên thế giới đối mặt với một thách thức y tế mới, đó là di chứng hậu COVID-19. Hiện nay, nhiều người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải nhập viện để điều trị.
Di chứng hậu covid – 19 là gì?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa chính thức về những triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp phải sau quá trình điều trị khỏi COVID-19 là Hội chứng hậu COVID-19 (Post COVID-19 condition). Theo định nghĩa, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người trước đó đã nhiễm bệnh và các triệu chứng gặp phải kéo dài ít nhất 2 tháng kể từ lúc được xác định là khỏi bệnh và không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Các triệu chứng mà bệnh nhân thường hay gặp phải là mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức và một số triệu chứng khác.
Các triệu chứng hậu COVID-19 nếu kéo dài sẽ khiến sức khỏe của người bệnh suy giảm, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc như trước hoặc gây khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Hội chứng hậu COVID-19 gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất, gây tiêu tốn tiền bạc và thời gian điều trị cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
Những di chứng “không đùa được” sau khi bị covid khiến nhiều người lo lắng
Theo các chuyên gia y tế, ba di chứng người bệnh thường gặp sau COVID-19 là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức. Tuy nhiên, người sau điều trị khỏi COVID-19 có thể gặp các triệu chứng ít phổ biến như: Thay đổi nội tiết, sốc nhiễm trùng, viêm phổi, tổn thương thận, đông máu,… Tuy ít điển hình nhưng những di chứng này lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Di chứng nội tiết
Một số bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 đi kiểm tra sức khỏe và kết quả xét nghiệm cho biết một số chỉ số nội tiết có thay đổi. Các rối loạn nội tiết bao gồm nhiễm toan ceton do tăng đường huyết trên người chưa từng chẩn đoán đái tháo đường trước đây, viêm giáp bán cấp Hashimoto và nhiễm độc giáp, bệnh Graves, loãng xương.
Di chứng suy hô hấp cấp tính
Hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) hậu COVID-19 do tổn thương phế nang lan tỏa với các kiểu hình có thể thay đổi. Đặc điểm nhận dạng hội chứng này có thể thông qua X-quang cơ bản giống ARDS kinh điểm. ARDS ở những người từng nhiễm COVID-19 sẽ có một số khác biệt như khởi phát muộn, cơ chế sinh lý bệnh đặc thù, tăng đông máu dẫn đến những khó khăn trong quá trình điều trị. Để điều trị di chứng hậu COVID-19 này, bác sĩ sẽ cần phải phối hợp các biện pháp và hội ý với nhiều chuyên khoa khác nhau (hồi sức tích cực, truyền nhiễm, hô hấp, vật lý trị liệu,…).
Di chứng viêm phổi
Virus SARS-CoV-2 tấn công vào phổi của người bệnh, làm tổn thương phổi và sau khi khỏi người bệnh có thể dễ bị viêm phổi. Đây là lý do nhiều người khỏi bệnh nhưng tình trạng ho không dứt, kéo dài dai dẳng trong 2 – 3 tháng. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh cần phải được nhập viện để điều trị viêm phổi.
Di chứng tổn thương gan cấp tính
Gan cũng là cơ quan virus sau khi xâm nhập dễ tấn công. Người bệnh sau nhiễm COVID-19 có thể bị sạm da, tăng sắc tố trên da. Để chẩn đoán chính xác di chứng này, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm men gan, một số phải tiến hành sinh thiết gan nếu tổn thương không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố gây tổn thương gan liên quan đến COVID-19 là cơn bão viêm, giảm oxy máu, viêm nội mạc và do thuốc.
Di chứng sốc nhiễm trùng
Sốc nhiễm trùng sau khi khỏi COVID-19 là di chứng hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong cao. Ở thời điểm nhiễm bệnh có 5% bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nền tử vong do sốc nhiễm trùng trên nền bệnh nặng. Sốc nhiễm trùng hậu COVID-19 đã được ghi nhận ở nhóm người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, từng mắc bệnh viêm phổi.
Di chứng về đông máu
Người đang nhiễm COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh đều có nguy cơ cao xuất hiện huyết khối, nhất là tình trạng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE). Tình trạng tăng đông toàn thân là một đặc trưng của di chứng hậu COVID-19. Đã có rất nhiều F0 dù đã vượt qua giai đoạn cấp tính, điều trị khỏi bệnh nhưng vẫn bị rối loạn đông máu. Lý do là vì khi nhiễm bệnh, virus đã kích hoạt một loại kháng thể tự miễn trong máu và tấn công tế bào gây tình trạng đông máu ở các mạch máu như mao mạch, động mạch, tĩnh mạch. Bên cạnh đó, virus còn kích hoạt gia tăng các hóa chất trung gian gây viêm đó là Interleukin6, TNF alpha, dẫn đến tình trạng tăng đông máu. Lúc này, các cục máu đông rất nhỏ được hình thành, di chuyển đến phổi, ngăn máu lưu thông và làm cản trở quá trình trao đổi oxy, gây thiếu máu cục bộ các cơ quan hoặc nặng hơn là hoại tử các mô như tế bào cơ, não, thận, lách, phổi,…
Di chứng suy thận cấp
Virus SARS-CoV-2 khi xâm nhập vào cơ thể có thể bám vào thành ông thận, màng cầu thận và tấn công trực tiếp các tế bào thận. Virus còn gây tổn thương phổi, gây thiếu oxy cho các cơ quan, trong đó bao gồm cả thận. Loại virus này khi tấn công vào các cơ quan trong cơ thể, chúng có khả năng kích hoạt phản ứng viêm gây ra “cơn bão cytokine” làm tổn thương thận và các cơ quan nội tạng khác. Nghiêm trọng hơn, COVID-19 còn có thể gây đông máu thận, khiến thận bị viêm, từ đó dẫn đến suy thận cấp, người bệnh cần phải lọc máu mới có thể sống.
Di chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C)
Hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C – Multisystem Inflammatory Syndrome in Children) xảy ra ở trẻ em mắc COVID-19 sau 2 – 6 tuần khỏi bệnh. Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng thường diễn biến nặng, nguy hiểm tính mạng. Triệu chứng điển hình của bệnh là trẻ sốt cao liên tục, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc trong miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khi bệnh trở nặng sẽ có dấu hiệu nhận biết như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.
Làm thế nào để hồi phục sức khỏe nhanh nhất sau khi mắc covid?
Chuyên gia y tế khuyên rằng, người bệnh COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn cần tiếp tục theo dõi và chủ động tự nâng cao sức khỏe toàn diện. Sau đây là một số biện pháp giúp người bệnh phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc tinh thần, cải thiện giấc ngủ:
– Tập thở: Tập thở mỗi ngày sẽ giúp phục hồi chức năng hô hấp của phổi;
– Đi bộ: Đi bộ 30 phút mỗi ngày sau khi khỏi bệnh cũng sẽ giúp tăng độ phục hồi cho phổi. Một số bài tập khác cũng giúp tăng phục hồi cho phổi là chống đẩy, bơi lội, chèo thuyền, đạp xe,…;
– Dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung vitamin, khoáng chất và protein vào thực đơn mỗi bữa ăn sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi;
– Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn và trò chuyện với mọi người xung quanh để cuộc sống trở lại bình thường.
Di chứng nguy hiểm do hậu COVID-19 có thể xuất hiện từ khi người bệnh khỏi bệnh và kéo dài trong vòng 4 – 12 tuần. Để ngăn ngừa di chứng hậu COVID-19 tác động nặng đến sức khỏe, tinh thần, những F0 khỏi bệnh nên khám sức khỏe tổng quát tại các cơ sở y tế.
Trên đây là những di chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải sau khi nhiễm covid – 19, Sulforaphane hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn tìm ra được cách khắc phục sớm nhất để bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình.